Đạo Mẫu Việt Nam
Ý Nghĩa Trong Tác Phẩm Chú Sanh Thần Bộ Cẩn Hoạ Chư Vị Tam Tiêu Nương Nương Và Thập Nhị Hoa Nương Bà Mụ
Ý Nghĩa Trong Tác Phẩm Chú Sanh Thần Bộ Cẩn Hoạ Chư Vị Tam Tiêu Nương Nương Và Thập Nhị Hoa Nương Bà Mụ

Ý Nghĩa Trong Tác Phẩm Chú Sanh Thần Bộ Cẩn Hoạ Chư Vị Tam Tiêu Nương Nương Và Thập Nhị Hoa Nương Bà Mụ

Four Palaces - Tứ Phủ Ý Nghĩa Trong Tác Phẩm Chú Sanh Thần Bộ Cẩn Hoạ Chư Vị Tam Tiêu Nương Nương Và Thập Nhị Hoa Nương Bà Mụ

Tác phẩm Chú Sanh Thần Bộ do hoạ sĩ Nam Ngọc Đoàn Thành Lộc cẩn hoạ Tam Tiêu Nương Nương và Thập Nhị Vị Hoa Nương. Chư vị là những nữ thần bảo hộ việc thai sản, giáo dưỡng con trẻ nên người. Họ được thờ phụng nhiều trong văn hóa miền Nam xưa, nhưng nay đã ít thấy hơn.

Tam Tiêu Nương Nương, tương truyền là con của Lê Sơn Lão Mẫu. Lớn tuổi nhất là Vân Tiêu Nương Nương, vận áo thiên thanh; kế đến là Bích Tiêu Nương Nương áo xanh lá; trẻ nhất là Quỳnh Tiêu Nương Nương áo đỏ. Dân gian quen gọi chư vị là Mẹ Sanh, Mẹ Dưỡng, Mẹ Độ. Trong tranh, trang phục của ba vị gợi nhắc đến các món áo mão dâng Bà, dâng Mẫu; một món đồ lễ phổ biến trong đời sống tâm linh Nam bộ. Trên áo nổi rõ hoa văn Kim Hoa – hoa vàng. Tranh vẽ có phần lấy cảm hứng từ phong cách tranh kiếng Nam Bộ Việt Nam.

Dưới quyền Tam Tiêu Nương Nương là Thập Nhị Hoa Nương, dân gian quen gọi bằng cái tên thân thương là Mười Hai Bà Mụ. Trong tranh Chú Sanh Thần Bộ, nếu Tam Tiêu Nương Nương ngự trên trời mây, quản cai từ chốn cao xa; thì 12 vị Hoa Nương cùng ngồi trên tấm chiếu gần gũi với đời sống trần gian. Tấm chiếu dệt chữ Thọ, thể hiện mong muốn rằng những đứa trẻ sinh ra sẽ luôn có cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ. Các Bà Mụ chăm sóc cuộc sống của con trẻ với những công việc khác nhau: vui đùa với trẻ, cho bú, ẵm bồng, dạy dỗ, tắm táp, chăm bệnh thuốc thang, lo ăn lo mặc. Đến ngày nay, trong dịp mừng đầy tháng của trẻ, cha mẹ vẫn có lễ cúng 12 Bà Mụ.

Trang phục các vị Hoa Nương đều là những nếp áo quen thuộc trong văn hóa Việt Nam: áo ngũ thân, áo tứ thân, áo bà ba, áo vá quàng. Mỗi vị một bộ khác nhau. Có vị vấn khăn vành; có vị chít khăn kiểu Bắc, kiểu Huế; có vị trùm khăn mỏ quạ; có vị búi tóc bánh lái, v.v.

Hình ảnh các Bà Mụ trong tranh tuy đa dạng mà lại thân quen. Người xem cảm giác tựa hồ như đã từng được thấy họ đâu đó. Có lẽ là trong hình bóng những người bà, người mẹ, cô dì hay thậm chí là những thầy thuốc đã từng ẵm bồng, chăm chút mình khi tuổi còn thơ.

Thừa quyền trời cao để chú thai; để bảo hộ cho mẹ tròn con vuông; để đứa trẻ trưởng thành khôn lớn; đó là nhờ tất cả các vị trong Chú Sanh Thần Bộ chung tay góp sức. Một con người sống giữa nhân gian, không chỉ do cha mẹ sinh thành; mà còn có sự trợ duyên của Tam Tiêu Nương Nương nhào nặn, hun đúc, có Thập Nhị Hoa Nương chăm sóc từ lúc nhập thai đến ngày trưởng thành.


Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.