Xưa kia ở vùng Lào Cai là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa tấp nập giữa miền xuôi và miền ngược. Lúc ấy có hai người con gái tuổi độ đôi mươi, quê từ làng Đình Bảng, Bắc Ninh gánh vải lên đây bán. Hai Cô thường ở lại khu làng Chiềng On. Từ đó mà tình cảm giữa các Cô và dân làng rất gắn bó, thân thiết.
Bẵng đi một thời gian không thấy hai Cô ghé đến. Một ngày nọ, dân làng Chiềng On phát hiện thi hài hai Cô trôi dạt về làng.
Tương truyền lúc ấy là thời điểm quân nhà Thanh đang chiếm đóng Việt Nam. Người già trong làng về sau kể rằng: chính hai cô gái trẻ đó là người thường xuyên vận chuyển hàng hóa, vải vóc lên vùng Lào Cai tiếp tế quân lính chống giặc ngoại xâm. Hai Cô bị giặc phát hiện, giết chết rồi ném xác xuống suối, thi hài trôi dạt về làng Chiềng On.
Làng Chiềng On lập miếu thờ hai cô. Từ đó dân làng làm ăn phát đạt; mùa màng bội thu… Tiếng lành đồn xa, không những người dân địa phương mà cả khách thập phương cũng về đây thắp hương, tưởng nhớ hai cô gái trẻ tốt bụng luôn phù hộ cho người dân có cuộc sống ấm no; yên bình.
Vì vậy mà bản văn dâng hai Cô viết như sau:
“Hai vai gánh nặng càn khôn.
Chàm xanh lĩnh tía, nâu non vải sồng
Đường xa tắp mà lòng Cô không ngại.
Giúp người đời có vải ấm thân.”