Đạo Mẫu Việt Nam
Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên – Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen
Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên – Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen

Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên – Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen

Four Palaces - Tứ Phủ Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên - Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen

Nhân dịp mùng 1 tháng Mười lịch âm, chúng tôi xin phép chia sẻ tác phẩm thứ hai trong chuỗi tranh Thánh Mẫu của dự án Thánh Nhan. Bức tranh khắc hoạ chân dung Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (tức Mẫu Thượng Ngàn), vẽ bởi họa sĩ Lunae Lumen, theo phong cách ảnh hưởng từ Art-Nouveau kết hợp với những đặc điểm nổi bật khác trong tranh dân gian Việt Nam. Tông màu chủ đạo là màu xanh lá tượng trưng cho Nhạc Phủ.

Vì Mẫu quản cai Nhạc Phủ, bức tranh thể hiện phong cảnh núi non đất nước, cụ thể là những mảnh ruộng bậc thang. Những quả núi đủ màu gợi đến hình ảnh những đụn ngũ cốc dồi dào, phong phú. Hai bên Mẫu là những giò hoa Bạch Hoả Hoàng, một loài lan quý hiếm bản địa của vùng núi phía Bắc.

Chiếc quạt Mẫu cầm trong tay làm từ những phiến lá rừng trong suốt. Ý tưởng về chiếc quạt này đến từ những chiếc nón lá bàng rừng của cụ nghệ nhân Võ Ngọc Hùng.

Four Palaces - Tứ Phủ Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên - Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen

Về dáng quạt, chúng tôi tham khảo đôi quạt ngà voi lưu giữ tại đền Cao Sơn, Thanh Hoá; một hiện vật có lẽ thuộc thời Lý.

Four Palaces - Tứ Phủ Tranh Vẽ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên - Dự án Thánh Nhan x Lunae Lumen
Quạt ngà cổ thời Lý. Nguồn: Tuổi Trẻ

Phiến quạt được trang trí theo lối châm kim, theo hoa văn voi trên gốm men lam thời Lê.

Vòm gỗ phía trên có cấu trúc tương tự một khung cửa ban thờ của một điện Tứ Phủ (chúng tôi không rõ tên). Trên khung khắc đôi chim phượng chầu về Bảo Bình, một trong bát bảo Phật giáo. Hoa văn chim phượng này ở trên tấm bia có lẽ ở thời Lê, hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phần còn lại của khung gỗ chạm khắc hoa lá, gợi hình ảnh động Sơn Trang. Trên vòm khung rũ xuống những tua rua ngũ sắc tượng trưng cho Ngũ Hành.

Trang phục của Mẫu theo phong cách Lê triều, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng là Giao Lĩnh (vạt chéo). Lớp giữa là Viên Lĩnh (cổ tròn) và Thường buộc bằng dây thao ngũ sắc. Lớp ngoài cùng là Đối Khâm (vạt song song), phần vai áo phủ vân kiên ren tím. Màu tím cũng là màu hay gắn liền với các Thánh miền thượng ngàn.

Mũ miện Mẫu đội lấy cảm hứng một bức tượng cổ. Phần tua hai bên mũ đính Liên Hoa ngọc bích. Đây cũng là một trong bát bảo phúc lành nhà Phật. Khuyên tai, bộ ba kiềng và xà tích Ngân Khánh đều dựa vào những món trang sức tiêu biểu của các dân tộc miền núi Việt Nam.

Trang phục trong tranh đa phần được tham khảo từ sách Dệt Nên Triều Đại của Vietnam Centre.


Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.