Đạo Mẫu Việt Nam
Tranh Vẽ Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai – Dự Án Thánh Nhan x Camelia Pham
Tranh Vẽ Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai – Dự Án Thánh Nhan x Camelia Pham

Tranh Vẽ Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai – Dự Án Thánh Nhan x Camelia Pham

Four Palaces - Tứ Phủ Tranh Vẽ Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai - Dự Án Thánh Nhan x Camelia Pham

Mùng 1 tiết Trung thu, xin gửi đến các bạn một bức tranh sắc vàng óng như ánh trăng. Bức tranh thứ tư Camelia Pham thực hiện cho dự án Thánh Nhan là tác phẩm tái hiện Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai. Màu sắc chủ đạo là màu vàng, bởi đây là màu đại diện cho Địa Phủ.

Chầu Đệ Tứ hầu cận bên Mẫu Liễu Hạnh, khâm sai bốn cõi. Tác phẩm thể hiện tay phải Chầu cầm kiếm, bởi lẽ trong thần tích, Chầu là vị nữ tướng đã dũng cảm xông pha giết giặc, giành quyền độc lập lãnh thổ cho nước nhà. Trong văn chầu cũng kể rằng Chầu thường hiển linh tróc quỷ trừ tà, cứu vớt dân lành. Tay trái Chầu quản ông Mã mà người nghệ nhân lành nghề đã kỳ công làm nên, người tín đồ nhất tâm đã dâng cúng. Xung quanh ghế Chầu ngự là những bông lúa vàng ươm trĩu hạt. Nghi môn đằng sau trang trí bằng pháp lam. Tất thảy nói lên những kỹ nghệ, thành tựu của con người ở nhân gian, đã được vạn linh Tứ Phủ phù hộ để thăng hoa phát triển.

Phía sau lưng Chầu Đệ Tứ là nghi môn ba cửa, gắn với thần minh nói chung. “Nghi môn tứ trụ thường gắn với Đình […] Với kiến trúc Đền – Đình thì trục trung trung tâm thường gọi là thần đạo hay linh đạo. Với yếu tố cung điện (Văn Miếu, Thành Huế, Đền vua Đinh, vua Lê) […] con đường đó gọi là Dũng đạo.” [1] Chúng tôi chọn hình ảnh nghi môn vì tính kết nối giữa cõi người và cõi thần. Nghi môn trong tác phẩm lấy cảm hứng từ nghi môn của Đại nội Huế, trung tâm hoàng quyền thời Nguyễn.

Trang phục của Chầu Đệ Tứ Khâm Sai mặc theo lối nhà Lê, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng và ở giữa là áo Giao Lĩnh cổ chéo. Lớp ngoài cùng là Viên Lĩnh cổ tròn. Chầu đeo kiềng cổ vàng, chạm khắc hoa văn rồng chầu nhật, chuyển hoá mây. Mặt trời trên kiềng là một viên lam bảo thạch (sapphire). Tay Chầu đeo nhẫn lam bảo thạch nạm ngọc, đeo hoa tai lam bảo thạch.

Trang phục trong tranh đa phần được tham khảo từ sách Dệt Nên Triều Đại của Vietnam Centre.

Tất cả các hoa văn trong bức tranh cũng từ thời nhà Lê, lấy từ bộ Hoa Văn Đại Việt.

———

📜 TRÍCH DẪN:

[1] Diễn biến Kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Viện bảo tồn di tích, Trần Lâm Biền chủ biên


Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.