“Bản Mệnh” xuất hiện trong nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Về cơ bản, từ này đại diện cho sự sống, bản tính và số phận của riêng một cá nhân. Trong bối cảnh Đạo Mẫu Tứ Phủ, bản tính và số phận của cá nhân này được định hình bởi tác động từ những nhân duyên trong quá khứ.
- Bản/ Bổn [本]: (đại từ) của mình, (danh từ) gốc rễ, cội nguồn
- Mệnh/ Mạng [命]: mạng sống, vận số, số phận
Một bộ phận tín đồ Đạo Mẫu Tứ Phủ sẽ thực hiện nghi lễ Tôn Nhang Bản Mệnh. Ý nghĩa của nghi lễ này là để tín đồ gửi gắm hoàn toàn bản mệnh của mình vào tay đấng linh thiêng tối cao, nguyện trọn đời phụng sự Tiên Thánh. Có niềm tin cho rằng mỗi tín đồ được hướng dẫn bởi một vị Thánh Bản Mệnh, tín đồ sẽ noi gương vị Thánh Bản Mệnh đó trong cuộc đời tu tập.
Với những người thực hiện nghi lễ trình đồng mở phủ để trở thành thanh đồng, người đó sẽ được ban áo bản mệnh. Cùng với khăn phủ diện, đây đều là những món gắn liền với bản mệnh của thanh đồng, phải được gìn giữ cẩn thận trọn đời. Sau khi tạ thế, thanh đồng sẽ được táng cùng khăn phủ diện và áo bản mệnh để tiếp tục làm trọn phận sự hầu Tiên Thánh ở thế giới bên kia.
Theo Thiền Lâm Dụng Ngữ [禪林用語], “Bản Mệnh” chỉ 1) bản tính, 2) viết tắt của “bản mệnh tinh”, ngôi sao bản mệnh của một người, căn cứ theo can chi năm sinh mà tính ra.
指本性。本命,指人出生年之干支;值其干支之星,稱本命星 – Chỉ bản tính. Bản mệnh, chỉ nhân xuất sinh niên chi can chi; trị kỳ can chi chi tinh, xưng bản mệnh tinh.)
Thiền Lâm Dụng Ngữ [禪林用語],
Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của, “Bản Mệnh” (Bổn Mạng) là “mạng sống, sự sống ở đời”. Ông cũng dùng ví dụ “Tên thánh bổn mạng” trong mục từ này.