“Vậy là ra đời các đức “Mẫu”. Có trời thì phải có Mẹ Trời, nước phải có Mẹ Nước, non có Mẹ Non. Các nhà chữ nghĩa thì đặt ra những cái tên văn hoa Thiên Cung, Thủy Cung và Lâm Cung Thánh Mẫu, nhưng dân gian vẫn gọi các bà một cách nôm na thân thiết là Mẫu Cửu Trùng, Mẫu Thoải, và Mẫu Thượng Ngàn. Đó là Tam tòa thánh mẫu, thuộc tín ngưỡng Tam phủ (ba cõi: Thiên Phủ, Thủy Phủ, Nhạc Phủ – nhạc là núi).
Có ba cõi ấy tất phải có cõi người. Thế là ra đời cả bà Mẹ Đất nữa. Nhưng bà Mẹ Đất này, theo quan niệm dân gian Việt Nam khác với những Mère Terre ở Tây phương. Mẹ Đất của ta thực ra là Mẹ Trần Gian chứ không phải mẹ của Đất. Tuy gọi là Địa Cung Thánh Mẫu, nhưng bà không phải là bà mẹ sinh ra ruộng đồng, làng xóm, mà là bà mẹ của cuộc đời. Người dân chọn ngay một bà từ cõi trần gian chứ không phải là một nữ thần xa xôi tưởng tượng: đó là bà Liễu Hạnh – một biểu tượng đa dạng mà sinh động, một nhân vật phi thường song lại rất bình thường.
Ở Liễu Hạnh, ta gặp một người yêu, một người vợ, một bà mẹ. Liễu Hạnh hiện ra, khi là một cô gái, một nàng tiên, khi là một nhà văn, một nữ tướng. Nàng là phụ nữ Việt Nam với tất cả những khả năng, những tiềm lực… Liễu Hạnh đã trở thành Mẹ Việt Nam trong cảm quan huyền thoại, trong ngưỡng mộ chân thành, người dân bình thường trông đợi ở Mẹ…”
(“Nghiên Cứu Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam”, Phó GS. Vũ Ngọc Khánh, t. 343, NXB Giáo Dục tại Tp. Đà Nẵng, 2007)