Tác giả: PGS-TS Trương Minh Hằng, Giang Nguyệt Ánh, “Đồ Mã Trong Điện Thờ Mẫu”.
“… Quả nón công đồng: nếu như ở trong chùa, tại vị trí trung tâm của tiền đường thường hay treo lá phướn đại, thì ở điện Mẫu tại vị trí này hoặc lùi sát vào chính điện người ta thường treo quả nón công đồng bằng đồ mã. Đây là một hiện vật có tính tổng hoà với nhiều màu sắc, cầu kỳ, đậm chất dân gian và rất đắt tiền… nên thường chi treo cho đẹp và chỉ đem đốt khi thay quả mới.
Về bố cục, quả nón này được chia làm nhiều cấp theo cương vị của hệ thần linh công đồng. Trên cùng là một chiếc lọng sáu cạnh gần giống như bào cái của nhà Phật, nó như tượng cho tầng trời, ở các góc đều có hình linh thú là rồng hoặc rắn nhô đầu ra làm điểm treo những “lọng” hai tầng nhỏ, lọng này có rủ kim tòng lớn. Để làm cho đẹp phía dưới của lọng cái, ở các mặt, người ta thường trang trí hoa văn và gắn quạt hoặc một vài hiện vật nào đó có liên quan đến việc làm sang cho Thánh Mẫu (màu quạt theo chức năng của vị Thánh Mẫu chính tại đền).
Ngay dưới hệ thống này thường có rất nhiều nón to nhỏ khác nhau, mở đầu là các nón của Thánh Mẫu, cấp hai là nón Chúa, tiếp tới là nón của Ngũ Vị Tôn Quan, rồi mười hai Thánh Chầu, nón của Ông Hoàng (thường ba nón), nón Cô (thường bốn nón, cũng có khi là mười hai nón nhỏ), nón Cậu (thường có ba nón), dưới cùng ở chính tâm của cả hệ thống là một thuyền rồng của Quan Lớn Bơ Phủ hay bình thường là thuyền của Vua Cha Bát Hải. Ở nhiều quả nón công đồng, ngoài thuyền của Vua Cha còn có chiếc mảng của Cậu Bé Thoải tức Cậu Bơ… Nhìn chung quả nón công đồng được quan tâm rất nhiều đến nghệ thuật nên hoà sắc khá nhuần nhuyễn, đồng thời để tránh sự đơn điệu khô cứng người ta đã điểm xuyết những hoa cúc mãn khai hoặc là những lá thiêng tạo sự vui mắt, dễ quyến rũ…”