Bức tranh thứ ba mà Camelia Pham thực hiện cho dự án Thánh Nhan là tác phẩm tái hiện Chầu Đệ Tam Thoải Cung Khâm Sai. Màu sắc chủ đạo là màu trắng, bởi đây là màu đại diện cho Thoải Phủ.
Vì Chầu Đệ Tam hầu cận bên Mẫu Đệ Tam nơi Thoải Phủ, bối cảnh trong tranh là những ngọn sóng bạc đầu dâng cao. Quanh ghế Chầu ngồi là những luồng nước chảy không ngừng.
Chầu đang rót thuốc từ chiếc bình san hô trắng vào chén ngọc được sóng nâng trên tay. Chi tiết này phản ánh niềm tin rằng những ai đau bệnh, nếu khẩn cầu thành tâm sẽ được Chầu ban thuốc quý, tiêu trừ bệnh tật.
Trang phục của Chầu Đệ Tam mặc theo lối nhà Lê, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng và ở giữa là áo Giao Lĩnh cổ chéo. Lớp ngoài cùng là Viên Lĩnh cổ tròn. Chầu đeo hoa tai ngọc bích xanh, trên cổ tay là tràng hạt ngọc trai trắng
Chúng tôi thích nhất trong bức tranh có lẽ là chiếc khăn phủ phê dưới mũ miện bằng ngọc bích xanh và san hô đỏ. Chiếc khăn màu trắng, dệt hoạ tiết sóng cuộn và đính những tua ngọc trai rũ xuống.
Chi tiết chiếc khăn che một phần gương mặt Chầu, chúng tôi lấy cảm hứng từ một bản ghi hình buổi hướng dẫn khăn áo hầu bóng tổ chức bởi Diễn đàn Hát Văn Việt Nam. Thầy hướng dẫn nói rằng ngày xưa không phải thanh đồng nào cũng có điều kiện sắm đủ trang phục riêng cho từng giá hầu. Có khi cứ một khăn mà hầu được tất cả các giá. Đến giá hầu Chầu Đệ Tam, hầu dâng sẽ buộc hai góc khăn ra trước cổ, che một phần gương mặt thanh đồng. Chúng tôi liên tưởng rằng điều này có lẽ là vì Chầu Đệ Tam là thiên thần, không phải nhân thần; lại chưa hề giáng sinh cõi trần. Thế nên tín đồ biết rất ít về Chầu. Lại nghe rằng Chầu vốn nghiêm nghị, hách danh, thập phần công chính; chứ không phải lúc nào cũng vui tươi, rộn rã.
Trang phục trong tranh đa phần được tham khảo từ sách Dệt Nên Triều Đại của Vietnam Centre.
Tất cả các hoa văn trong bức tranh cũng từ thời nhà Lê, lấy từ bộ Hoa Văn Đại Việt.