“Vân Cát Thần Nữ chép năm Cảnh Trị, ngài được triều đình phong làm Mã Hoàng Công Chúa. Tuy nhiên khi đọc các văn bản thần tích hữu quan, chúng tôi phát hiện hai chữ “Mã Hoàng” có ba cách viết khác nhau.
- a. Có 4 bản thần tích chép là 鎷鐄
- b. Có 2 thần tích ghi là 禡黃,
- c. và cách viết phổ biến nhất là 禡鐄 trong 16 thần tích.
Riêng cách viết a. 鎷鐄 còn được nhiều người kiến nghị nên đọc là “Mạ Vàng”. Về tự dạng thì đọc như vậy là không sai, nhưng chúng tôi cho rằng phải đọc là MÃ HOÀNG vì hai chữ này chỉ việc quân đội tế thần.
Từ điển Từ nguyên chú thích: 古代行軍於所止處祭神曰禡。其神或曰黃帝,或曰蚩尤 (Cổ đại hành quân ư sở chỉ xứ tế thần viết “Mã”. Kì thần hoặc viết Hoàng Đế hoặc viết Si Vưu). Dịch là: Thời cổ đại hành quân tế thần ở nơi dừng lại gọi là mã. Tế thần là Hoàng Đế hoặc Si Vưu.
Tra ngược lại văn bản Truyền Kỳ Tân Phả (A.48), văn bản này chép là 禡黃 (b). Kết hợp với những lần Chúa Liễu âm phù triều đình dẹp giặc, thậm chí còn có lúc đích thân dẫn quân đi cứu giá…, ta có thể khẳng định phong hiệu chính xác của ngài phải là 禡黃公主 Mã Hoàng Công Chúa. Còn việc thêm bộ “Kim” [金] vào bên trái thần hiệu chỉ là để tăng phần long trọng.”
(Trích từ bài nghiên cứu của tác giả Lê Tùng Lâm, Nghiên cứu Hán Nôm năm 2020, trang 583-584)