Chầu Mười Đồng Mỏ là vị Thánh Chầu thứ mười trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, sau Chầu Chín Cửu Tỉnh. Tương tự Chầu Tám Bát Nàn, Chầu Mười Đồng Mỏ là vị nữ tướng anh linh hiển hách nhất vùng Lạng Sơn. Tên gọi Đồng Mỏ được lấy từ địa danh nơi Chầu đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc chiến đấu trấn giữ bảo vệ bờ cõi trước quân xâm lược nhà Minh.
Thần tích về Chầu Mười Đồng Mỏ có nhiều phiên bản. Tựu trung lại, có thể kể về hành trạng của Chầu như sau: Chầu sinh ra trong gia đình tù trưởng ở đất Đồng Mỏ. Lớn lên Chầu là bậc anh thư thao lược kiếm cung
Khi vua Lê Thái Tổ hiệu triệu toàn dân chống giặc Minh xâm lược, Chầu Mười tập hợp các dân tộc ở đất Đồng Mỏ, chiêu mộ binh sĩ, rèn đúc giáo gươm quyết phò vua diệt giặc cứu khổ muôn dân. Vua rất tin tưởng, giao cho Chầu trấn giữ các châu nơi cửa ải Chi Lăng.
Năm ấy trận Chi Lăng, Xương Giang trăm bề gian khó nhưng vị nữ tướng vẫn xả thân chiến trường, một đao một ngựa giao chiến. Chầu lập công ch_ém đầu Liễu Thăng. Kháng chiến thắng lợi, Chầu được vua phong công, giao cho cai quản vùng Mỏ Ba, Đồng Mỏ, trấn giữ ải Chi Lăng. Lúc thanh bình Chầu lại giúp dân lập ấp tế trợ cứu bần.
Cũng có phiên bản kể rằng Chầu Mười ra trận theo chỉ đạo của Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Mẫu Thượng Ngàn), là một phần của Công đồng Bắc Lệ. Hoá nhật của Chầu cũng là ngày tiệc Công đồng Bắc Lệ (ngày 20/9 âm lịch). Sau khi lập công diệt Liễu Thăng, Chầu vì kiệt sức mà hy sinh nơi chiến trường.