Hát Chầu Văn là hát dâng lên bậc Tiên Thánh. Chữ “Chầu” ở đây chính là chữ 朝 (triều, chầu). Chữ này thường dùng để chỉ bề tôi gặp mặt vua, người bề dưới gặp bậc trên. “Chầu Văn” là những làn điệu kính dâng bề trên.
Trong một hội thi hay một vấn hầu Tứ Phủ, công chúng đến nghe văn/ dự hầu luôn là nguồn động viên lớn dành cho người biểu diễn (cung văn). Tuy vậy, bất kỳ cung văn nào cũng hiểu rõ rằng: khúc văn mình đang trình diễn là để dâng lên chư Tiên Thánh.
Thanh đồng, hầu dâng, cung văn, mỗi người một việc nhưng tất thảy tề tựu trước ban thờ đều chỉ có một nhiệm vụ quan trọng nhất: Hầu Thánh. Trong lòng người cung văn chân chính, chỉ có chư Tiên Thánh mới là “thính giả”. Mỗi lời ca tiếng nhạc đều biểu diễn cho những vị thính giả thiêng liêng bậc nhất này.
Dưới đây xin trích đoạn giới thiệu về hát chầu văn trong bài viết Thi hát Chầu văn – Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Phủ Dầy
“… Hát chầu văn có ba kiểu là hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu).
Hát thi thường dùng trong các cuộc đua tài thi hát và thường là hát đơn, chỉ một người hát.
Hát thờ được hát trước ngày tiệc, ngày sóc vọng đầu rằm, mồng một, ngày tất niên.
Phục vụ hát chầu văn có các thành viên như cung văn – người hát chầu văn và dàn nhạc phục vụ hát chầu văn. Người ca sĩ được gọi là cung văn, thông thường là người vừa hát giỏi, vừa biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ.
Dàn nhạc hầu bóng gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách. Trong các loại nhạc cụ kể trên, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi đóng vai trò nòng cốt. Đây là những nhạc khí cơ bản, không thể thiếu được vì chúng tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của dàn nhạc hát chầu văn. Những buổi hát thờ lớn thì thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo và tiêu.
Người hát phải lần lượt dâng nhiều bản văn khác nhau ứng với các vị Thánh trong điện thần Tứ Phủ theo thứ tự từ cao xuống thấp. Mỗi bản văn ứng với một vị thánh gọi là giá đồng.
[…]
Trong nghệ thuật hát chầu văn, không thể không nói đến hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, biểu cảm, nhiều sắc thái tâm hồn. Hát văn có 13 điệu hoặc 13 lối hát, đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm, Dồn. Tùy theo từng ngữ cảnh mà sử dụng lối hát nào cho phù hợp. Chẳng hạn lối hát Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, để hát trước khi vào một bản văn thờ hoặc văn thi. Phú Chênh là lối hát buồn, thường hát trong những cảnh chia ly. Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các nữ thần…
Giai điệu tiếng đàn, giọng hát chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền phách, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, thân thương của nữ tính, của Mẹ – Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ Phủ…”