Nhân dịp Rằm tháng Ba âm lịch, tháng tiệc Mẫu Liễu Hạnh, chúng mình xin phép chia sẻ tác phẩm của hoạ sĩ Lunae Lumen. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng trong bộ tứ bình chủ đề Thánh Mẫu mà hoạ sĩ Lunae Lumen thực hiện cho dự án Thánh Nhan.
Bức tranh phụng hoạ Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, theo phong cách ảnh hưởng từ Art-Nouveau kết hợp với những đặc điểm nổi bật khác trong tranh dân gian Việt Nam. Tông màu chủ đạo là màu vàng tượng trưng cho Địa Phủ.
Vì Mẫu Địa Tiên quản cai Địa Phủ, bao gồm cõi nhân gian, nơi loài người sinh sống, bức tranh thể hiện lớp lớp ngũ cốc mùa màng bội thu. Vươn lên cao là những hàng cây cau, trước là tín đồ dâng trầu cau lên bậc Tiên Thánh, sau là thể hiện chư Thánh giám sát những nhân duyên con người. Sau lưng Mẫu là muôn đoá mây ngũ sắc, thể hiện vị trí của Mẫu đồng thời đại diện cho Thiên Phủ trong lòng muôn dân.
Phía sau lưng Mẫu Địa Tiên là nghi môn bốn trụ, gắn với thần minh nói chung. “Nghi môn tứ trụ thường gắn với Đình […] Với kiến trúc Đền – Đình thì trục trung trung tâm thường gọi là thần đạo hay linh đạo. Với yếu tố cung điện (Văn Miếu, Thành Huế, Đền vua Đinh, vua Lê) […] con đường đó gọi là Dũng đạo.” [1] Vòm gỗ phía trên chạm trổ đồ án lưỡng long chầu. Ở chính giữa là khối ngọc khắc biểu tượng Bảo Tán – một trong bát bảo Phật giáo, chỉ sự che chở, độ trì.
Trang phục của Mẫu theo phong cách Lê triều, bao gồm ba lớp. Lớp trong cùng là Giao Lĩnh (vạt chéo). Lớp giữa là Viên Lĩnh (cổ tròn) và Thường, trang sức bằng chuỗi hạt anh lạc đính hoa vàng. Lớp ngoài cùng là Đối Khâm (vạt song song), phần vai áo phủ một lớp ren. Mũ miện Mẫu đội lấy cảm hứng một bức tượng cổ*, với phần viền mũ đính hồng ngọc – một loại đá quý nổi tiếng của Việt Nam. Phần tua hai bên mũ tạo hình Thắng Lợi Tràng Phan. Đây cũng là một trong biểu tượng bát bảo phúc lành nhà Phật. Tay Mẫu cầm một chiếc quạt ba tiêu lụa, thể hiện mỹ nghệ của người nghệ nhân dâng tiến quạt.
Trang phục trong tranh đa phần được tham khảo từ sách Dệt Nên Triều Đại của Vietnam Centre.